Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Chức năng - Nhiệm vụ

Quyết định số 2326/QĐ-UBND ngày 15/08/2022 - Quyết định quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Điều 1. Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

1. Vị trí, chức năng:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: Lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm); bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Ủy ban nhân dân cấp huyện và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

a) Lãnh đạo Sở:

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có Giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc (Trong trường hợp có sự điều chỉnh về số lượng Phó Giám đốc Sở thì thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền).

- Giám đốc Sở là Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, là người đứng đầu Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Giám đốc Sở được quy định tại Điều 7 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân stỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc Sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm thay Giám đốc Sở điều hành các hoạt động của Sở. Phó Giám đốc Sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Giám đốc Sở và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Đảng và Nhà nước.

b) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

          - Văn phòng Sở;

          - Thanh tra Sở;

          - Phòng Bảo trợ xã hội;

- Phòng Người có công;

- Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội;

- Phòng Lao động – Việc làm – Tiền lương;

- Phòng Quản lý Giáo dục nghề nghiệp;

- Phòng Kế hoạch – Tài chính.

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở:

- Trung tâm Điều dưỡng Người có công;

- Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em;

- Trung tâm Bảo trợ xã hội;

- Trung tâm Dịch vụ việc làm;

- Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy.

d) Biên chế công chức và số lượng người làm việc:

       Biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu hàng năm theo quy định của pháp luật.

              Điều 2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quy định cụ thể, chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở và bố trí biên chế hợp lý bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và ban hành Quy chế làm việc của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quyết định sau hết hiệu lực kể từ ngày  Quyết định này có hiệu lực thi hành.

- Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 02/02/2016 của UBND tỉnh về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

- Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh về việc sáp nhập Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội vào Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

- Quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 về việc hợp nhất, đổi tên phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 02/02/2016 của UBND tỉnh;

           Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.  

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Giám đốc Sở

Giám đốc Sở là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Bộ LĐTBXH và trước pháp luật về mọi hoạt động của ngành LĐTBXH trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các công việc khác thuộc thẩm quyền, được UBND tỉnh quy định trong Quy chế làm việc của UBND tỉnh, quyết định của Bộ LĐTBXH và các văn bản pháp luật khác có liên quan; những việc được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao hoặc ủy quyền;

b) Phân công các PGĐ Sở phụ trách một số lĩnh vực, đơn vị thuộc Sở và địa bàn công tác; ủy quyền cho thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi thẩm quyền của GĐ Sở;

c) Trực tiếp chỉ đạo, điều hành một số công việc của đơn vị thuộc Sở và lĩnh vực công tác do GĐ Sở phụ trách;

d) Quyết định những vấn đề các PGĐ Sở còn có ý kiến khác nhau;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đối với UBND cấp huyện, Phòng LĐTBXH cấp huyện, các đơn vị thuộc Sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và triển khai các nhiệm vụ đã phân công, phân cấp thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở;

e) Tùy theo điều kiện cụ thể khi triển khai công việc, GĐ Sở có thể trực tiếp giải quyết một số công việc đã phân công cho các PGĐ Sở hoặc điều chỉnh lại sự phân công công tác giữa các PGĐ Sở;

g) Ký các văn bản thuộc thẩm quyền của GĐ Sở;

h) GĐ Sở là người phát ngôn của Sở. Khi thực hiện nhiệm vụ phát ngôn, GĐ Sở thực hiện theo Quy chế người phát ngôn và chịu trách nhiệm trước câp trên, pháp luật về nội dung phát ngôn. Được ủy quyền cho các PGĐ Sở hoặc Chánh Văn phòng đại diện cơ quan phát ngôn trong những trường hợp cụ thể.

(Nguồn Quyết định số: 2326/QĐ-UBND  ngày 15/08/2022 của UBND tỉnh BR-VT; 610/QĐ-SLĐTBXH ngày 28/04/2023 của Sở LĐTBXH tỉnh BR-VT)

Phó Giám đốc Sở

Phó Giám đốc Sở được GĐ Sở phân công phụ trách một hoặc một số lĩnh vực, địa bàn công tác; phụ trách một số đơn vị thuộc Sở và được sử dụng quyền hạn của GĐ Sở, nhân danh GĐ Sở khi giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công theo nguyên tắc:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước GĐ Sở và trước pháp luật về những quyết định của mình;

b) Chủ động giải quyết công việc được phân công, nếu nội dung giải quyết liên quan đến lĩnh vực của PGĐ Sở khác phụ trách thì trao đổi, phối hợp với PGĐ Sở đó để giải quyết; trường hợp cần có ý kiến của GĐ Sở hoặc giữa các PGĐ Sở còn có ý kiến khác nhau thì báo cáo GĐ Sở quyết định;

c) Đối với những vấn đề thuộc về chủ trương hoặc có tính nguyên tắc mà chưa có văn bản quy định hoặc những vấn đề dễ gây tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, tình hình của ngành và các vấn đề quan trọng khác thì PGĐ Sở phải xin ý kiến GĐ Sở trước khi giải quyết;

d) Khi GĐ Sở điều chỉnh sự phân công giữa các PGĐ Sở thì các PGĐ Sở phải bàn giao nội dung công việc, hồ sơ và tài liệu liên quan, đồng thời báo cáo GĐ Sở;

đ) Thay mặt GĐ Sở chỉ đạo giải quyết các công việc chung của Sở và ký văn bản thuộc thẩm quyền của GĐ Sở khi được GĐ Sở ủy quyền;

e) Giải quyết một số công việc cấp bách của PGĐ Sở khác khi PGĐ Sở đó vắng mặt theo sự phân công công tác của GĐ Sở.

(Nguồn Quyết định số: 2326/QĐ-UBND  ngày 15/08/2022 của UBND tỉnh BRVT; 610/QĐ-SLĐTBXH ngày 28/04/2023 của Sở LĐTBXH tỉnh BRVT)

Các phòng chuyên môn cơ quan Sở

a. Văn phòng Sở

Công tác cán bộ: luôn đổi mới, sắp xếp và quản lý chặt chẽ, biên chế đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết, chính sách phù hợp.chủ động trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở nên khi thực hiện việc sáp nhập không có trường hợp dôi dư công chức, viên chức quản lý.

Tổng hợp, báo cáo; Quản trị công sở, trang thiết bị tại trụ sở; Quản lý bộ phận lái xe, văn thư, tạp vụ, bảo vệ...

b. Lao động - Việc làm - Tiền lương

Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, lĩnh vực việc làm và BHTN có chức năng, nhiệm vụ: “Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, giải pháp về việc làm, chính sách phát triển thị trường lao động của tỉnh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; Hướng dẫn và thực hiện các quy định của pháp luật về:Chỉ tiêu và các giải pháp tạo việc làm tăng thêm; Chính sách tạo việc làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân; Chính sách việc làm đối với đối tượng đặc thù (người khuyết tật, người chưa thành niên, người cao tuổi và các đối tượng khác), lao động làm việc tại nhà, lao động dịch chuyển và một số đối tượng khác theo quy định của pháp luật; Bảo hiểm thất nghiệp. Quản lý các tổ chức dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật; cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi hoặc nhận lại giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo sự ủy quyền của UBND tỉnh; Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật lao động.

Về lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở; Hướng dẫn, tiếp nhận đăng ký hợp đồng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và của doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài có thời hạn dưới 90 ngày và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký hợp đồng; Thống kê số lượng các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Về lĩnh vực lao động, tiền lương: Hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; chế độ đối với người lao động trong sắp xếp, tổ chức lại và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp cổ phần hóa, giao, bán doanh nghiệp;

Hướng dẫn việc thực hiện chế độ tiền lương theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn chế độ, chính sách ưu đãi đối với lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người giúp việc gia đình và một số lao động khác; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cho thuê lại lao động trên địa bàn tỉnh; Thống kê số lượng các doanh nghiệp cho thuê lại lao động, thực hiện việc cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động và số lượng người lao động thuê lại.”

c. Về lĩnh vực An toàn, vệ sinh lao động

Theo Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, lĩnh vực ATVSLĐ có các chức năng, nhiệm vụ:

“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ; Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh;

Hướng dẫn và triển khai công tác quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù về an toàn lao động; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa đặc thù về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh;

Hướng dẫn về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; tiếp nhận tài liệu và xác nhận việc khai báo, sử dụng các loại máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

Chủ trì, phối hợp tổ chức điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng làm bị thương từ 02 người lao động trở lên; điều tra lại tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng đã được người sử dụng lao động điều tra nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết;

Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn; tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động; công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra tại địa phương;

Tiếp nhận tài liệu thông báo việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh quản lý.”

d. Về lĩnh vực Người có công:

Theo Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, lĩnh vực Người có công có chức năng, nhiệm vụ: “Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

Triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo phân cấp trên địa bàn;

Chủ trì, phối hợp tổ chức công tác tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ theo phân công hoặc phân cấp; thông tin, báo tin về mộ liệt sĩ; thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ;

Quản lý đối tượng, hồ sơ đối tượng và kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ;

Hướng dẫn và tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh.”

e. Về lĩnh vực Quản lý Giáo dục nghề nghiệp

Theo Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, lĩnh vực Quản lý Giáo dục nghề nghiệp có chức năng, nhiệm vụ: “Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển dạy nghề ở địa phương sau khi được phê duyệt; Hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dạy nghề; tiêu chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; quy chế tuyển sinh, quy chế thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp và việc cấp văn bằng, chứng chỉ nghề; chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề và học sinh, sinh viên học nghề theo quy định của pháp luật; quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sau khi được phân cấp; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo thẩm quyền; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề; tổ chức hội giảng giảng viên, giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh, các hội thi có liên quan đến công tác học sinh, sinh viên học nghề; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ”.

f. Về lĩnh vực Bảo trợ xã hội:

Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, chức năng, nhiệm thuộc lĩnh vực Bảo trợ xã hội bao gồm:

“Hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và các đề án, chương trình về bảo trợ xã hội khác có liên quan; Tổng hợp, thống kê số lượng người cao tuổi, người khuyết tật, người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần, đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội khác; Tổ chức xây dựng mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội, tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các loại hình cơ sở khác có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

Về lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, mô hình, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tổ chức, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; các chế độ, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; Quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh.

Về lĩnh vực bình đẳng giới: Hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; tham mưu tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Là cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban và sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban.”

g. Về lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội

Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội có chức năng, nhiệm vụ:

“Thực hiện nhiệm vụ thường trực về phòng, chống mại dâm; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức quản lý, triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo phân cấp, ủy quyền;

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức quản lý đối với các cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở quản lý sau cai nghiện, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo phân cấp, ủy quyền.

Tổ chức xây dựng mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; hướng dẫn tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào các cơ sở trợ giúp xã hội và từ cơ sở trợ giúp xã hội về gia đình;

Tổng hợp, thống kê số liệu về đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.”

h. Kế hoạch - Tài chính

Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, phòng Kế hoạch – Tài chính có chức năng, nhiệm vụ: “Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các hội và các tổ chức phi chính phủ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Các đơn vị trực thuộc Sở: gồm 05 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở

a. Trung tâm Dịch vụ việc làm: thực hiện công tác giải quyết việc làm, Trung tâm phối hợp với Phòng LĐTBXH; UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm tại các địa phương, tại Trung tâm và các văn phòng đại diện cho người lao động.

b. Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy: Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh BRVT có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn khám và điều trị toàn diện cho người nghiện ma túy với các phương pháp điều trị thích hợp; tiếp nhận, quản lý, tổ chức việc chăm sóc sức khỏe, cai nghiện, tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động, hỗ trợ tái hòa nhập sức khỏe, cai nghiện, tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy và người sau cai nghiện; tiếp nhận, quản lý, hỗ trợ điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để phân loại xử lý chuyển về gia đình, cộng đồng, tới cơ sở điều trị tự nguyện hoặc chuyển tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

c. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được hợp nhất từ Trung tâm xã hội và Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn theo Quyết định số 2135/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh BRVT. Có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng gồm: người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, người lang thang xin ăn, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người cáo tuổi không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh; Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật…

d. Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh được hợp nhất từ Trung tâm công tác xã hội và Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu theo Quyết định số 2134/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh BRVT. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng gồm các đối tượng bảo trợ xã hội tại điểm a, điểm c, khoản 1 Điều 25 Nghị định 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng một trong các trường hợp: “(Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; Mồ côi cả cha và mẹ; Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật; Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội; …) và Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp (Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhận bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; Trẻ em lang thang, người cao tuổi lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú) và Trẻ em không thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định nhưng có nhu cầu được trợ giúp xã hội; tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (đối tượng tự nguyện).”

e. Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh: Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh BRVT có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh nặng và đặc biệt nặng chưa có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đình; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, đưa đón người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm theo kế hoạch của Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh giao hàng năm; tổ chức thực hiện dịch vụ, phục vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của Trung tâm theo quy định của pháp luật.